banner

Bác sĩ tại nhà: Làm gì khi bị bỏng nắng do tia UV?

24/07/2021 0 Bình luận

Hỏi: Mỗi khi đi dưới ánh mặt trời lâu là tôi lại bị sưng, ngứa một số vùng da của cơ thể. Liệu đó có phải là do tôi bị dị ứng hay bị bỏng nắng hay không, có cách nào để giảm tình trạng này hay không, thưa bác sĩ? Nguyễn Minh Hà (phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội)

Đáp: Làn da đỏ phồng rộp, đặc biệt vùng mặt và tay bị sưng nề, ngứa, bỏng rát sau khoảng thời gian phải làm việc liên tục ngoài trời chính là biểu hiện của bỏng nắng do tia UV.

Mùa hè với ánh nắng gay gắt và chỉ số tia UV thường xuyên ở mức cao là tác nhân gây ra nhiều vấn đề về da. Có 3 loại tia UV với các mức năng lượng khác nhau.

Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương và làm đen da, thậm chí ung thư da. Người bị bỏng nắng chủ yếu do tia này. Còn tia UVC có năng lượng cao nhất nhưng may mắn đã có tầng ozon chặn lại.

Bạn nên tránh ở lâu ngoài trời khi nắng nóng cao điểm. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài trời thì cần sử dụng kem chống nắng (lựa chọn loại kem chống nắng có quang phổ rộng (broad spectrum) đủ khả năng chống lại tia UVB (SPF), UVA (PA).

Nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi bạn tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da, kính mắt có tác dụng chống tia UV, đội mũ, quần áo chống nắng.

Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên tắm rửa, luôn đảm bảo cho làn da khô thoáng và sạch sẽ, gội rửa hết bụi bẩn trên da, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc sau khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Dù vậy, không nên quá lạm dụng việc tắm rửa.

Ngoài ra, cần uống đủ nước, ăn rau củ, quả tươi, nước ép trái cây giàu vitamin. Khi có dấu hiệu mắc các bệnh da liễu, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

BSCKII Quách Thị Hà Giang

BÌNH LUẬN:
zalo
Hotline: 0989 475 112
popup

Số lượng:

Tổng tiền: